Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tặng quà thầy trò vùng khó khăn cuối năm 2014
Hành trình “siêu tốc” để đến với vùng khó
Pác Nặm là huyện vùng cao xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, cách thị xã Bắc Kạn gần 100 km về phía Bắc. Chặng đường từ Hà Nội về đến Pác Nặm có chiều dài gần 300km và để có thể đến động viên, chia sẻ thầy cô, học sinh Trường bán trú THCS Cổ Linh, tổng tư lệnh ngành Giáo dục đã bắt đầu hành trình từ lúc 4h sáng.
Nếu hành trình từ Hà Nội về Bắc Kạn khá thuận tiện khi tuyến đường cao tốc Thái Nguyên đã được đưa vào sử dụng thì chặng đường 80 km từ Bắc Kạn và Pác Nặm khá gian nan và vất vả. Cánh lái xe vẫn thường hay đùa: Đường lên Pác Nặm phải qua huyện Ba Bể và ở đây mọi người thường hay ví von là có món “cua bể”. Có ai đi rồi thì mới biết “món cua” này như thế nào.
Sở dĩ nhiều người gọi là “cua bể” là do toàn bộ tuyến đường này đều cua gấp khúc liên tục, nhiều đoạn theo dạng đường xoắn ốc.
Vượt qua chặng đường đầy gian nan nhưng mọi mệt mỏi đều được xua tan khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đón nhận những bó hoa giản dị của học sinh vùng cao. Người đứng đầu ngành Giáo dục tươi cười, hỏi han và động viên học sinh cần cố gắng học hành để mai này xây dựng quê hương, đất nước.
Những bó hoa giản dị của học trò vùng cao tặng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Buổi lễ trao quà của Bộ trưởng cho thầy và trò Trường bán trú THCS Cổ Linh diễn ra nhẹ nhàng, bình dị và ấm nồng. Mặc dù có bài chuẩn bị phát biểu từ trước nhưng khi chứng kiến sự mạnh dạn của học sinh, chia sẻ của thầy cô, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã quyết định tâm tư ngoài “kịch bản”.
“Tôi rất vui khi thấy các cháu học sinh nhà trường khôi ngô, nhanh nhẹn và thông minh, không khí Tết nguyên đán tràn ngập trên khắp các ngả đường mà học sinh vẫn đến trường đông đủ, hoạt động của trường vẫn đầy đủ trong mùa đông giá lạnh mà vẫn ấm cúng” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ tâm tư với thầy trò Trường THCS Cổ Linh.
Và người đứng đầu ngành Giáo dục cũng không quên nhắc nhở học sinh: Chúc các cháu học sinh vừa kết thúc thời gian của học kỳ sớm về ăn Tết với gia đình, ông bà, bố mẹ với không khí tươi vui. Tuy nhiên các cháu cũng cần nhớ ngày để quay về trường đúng hạn sau kỳ nghỉ tết; học giỏi, làm theo lời 5 điều Bác dạy, nghe lời thầy cô, ông bà cha mẹ, phấn đấu học tốt, tu dưỡng tốt sau này xây dựng quê hương giàu mạnh.
Lời dặn dò cùng Bộ trưởng xuất phát từ thực tế có đến 80% học sinh Trường THCS Cổ Linh là người dân tộc Mông. Mặc dù công tác tuyên truyền được thầy cô ngày càng được chú trọng hơn nhưng tục “cưới vợ, gả chồng” sớm vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao tặng tượng trưng 20 tấn gạo cho học sinh ở các vùng khó khăn các tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái và Điện Biên, mỗi tỉnh 5 tấn; tặng quà Tết trị giá 300 triệu đồng cho các thầy cô giáo tỉnh Bắc Kạn.
“Món quà tuy không lớn nhưng có ý nghĩa động viên các thầy, cô giáo học sinh ở các tỉnh khó khăn trong dịp Tết Ất Mùi, mong các thầy các cô thêm nhiệt tình, thêm quyết tâm sáng tạo để đổi mới giáo dục và đào tạo tại các cơ sở giáo dục ở đây, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn; qua đó để có nguồn nhân lực tại chỗ để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở các vùng giàu tiềm năng nhưng vẫn còn đặc biệt khó khăn, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng của đất nước” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ.
Thầy cô vùng cao đang tiếp cận đổi mới nhanh hơn
Sau buổi lễ trao quà, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng dành thời gian để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy ở Trường THCS Cổ Linh.
Chăm chú lắng nghe những mặt thuận lợi và khó khăn của nhà trường khi thực hiện công tác bán trú, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ: Khi mới bắt tay vào việc xây dựng những nhân tố mới cho công cuộc đổi mới, mấy năm trước đây lãnh đạo Bộ cũng đã từng e ngại khi triển khai ở giáo dục vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, qua mấy năm triển khai thì thực tế lại có diễn biến thuận lợi cho công cuộc đổi mới giáo dục đào tạo các vùng miền khó khăn. Còn ở các thành phố lớn công việc triển khai lại có phần khó khăn hơn. Rất mong các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau sớm triển khai công cuộc đổi mới một cách đồng bộ.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nhấn mạnh: “Giáo dục dân tộc là lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục, không chỉ riêng trong ngành mà cả đối với sự nghiệp cách mạng. Trong các hoạt động chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mảng dân tộc trong đó có giáo dục dân tộc được quan tâm, dành nhiều thời gian bàn thảo, hoạch định chính sách.
Chính sách dành cho giáo viên, học sinh vùng khó về cơ bản đã giải quyết được. Bộ GD-ĐT cũng đã có đề xuất thêm những chính sách cho thầy cô và học sinh vùng đặc biệt khó khăn, tuy nhiên trong hoàn cảnh đất nước đang còn nhiều khó khăn, một số chế độ chính sách còn chưa giải quyết được. Khi có đủ điều kiện về nguồn lực chắc chắn sẽ ban hành thêm một số chính sách cho giáo viên vùng khó khăn, học sinh dân tộc”.
Cũng tại buổi trò chuyện với thầy cô, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tặng nhà trường một số cuốn sổ với mong muốn “không cần phải ghi chép quá nhiều”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: Vừa qua ngành thực hiện đổi mới với bước đi là thay đổi đánh giá học sinh tiểu học. Sổ sách được ngành đưa ra và thầy cô thì cứ ghi thật nhiều cho đủ để còn báo cáo với hiệu trưởng, nhà trường thì lại báo cáo với cấp trên… sau đó thì giáo viên lại quay ra “kêu vất vả”. Chính vì thế, tôi hi vọng chúng ta ghi chép ít thôi và dành thời gian đó quan tâm đến học trò. Ngành cũng phải thay đổi cách quản lý, cách kiểm tra giáo viên để làm sao đồng hành, chia sẻ cũng như giúp đỡ thầy cô. Nói thì dễ nhưng tôi tin chắc giải quyết việc này không phải đơn giản trong một sớm, một chiều.