Giải đáp hàng loạt thắc mắc về kì thi THPT quốc gia
Về cách thức dự thi thì thực hiện như việc đăng ký dự thi ĐH, CĐ trước đây. Cụ thể, thí sinh đang học lớp 12 thì đăng ký dự thi tại trường THPT của mình. Thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GDĐT quy định. Các em tự do có quyền đăng ký ở nơi thuận lợi cho việc đi lại
Hà Nội dự kiến sẽ có 8 cụm thi do 8 đại học chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT. Việc hình thành cụm thi địa phương để cho thí sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp do UBND các tỉnh quyết định.
Cũng theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, với những học sinh không được học ngoại ngữ (học sinh theo học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên), Giám đốc sở GDĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Điều này đồng nghĩa với việc, đối tượng này được phép chọn 2 môn tự chọn ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn.
Sở căn cứ điều kiện thực tế, quyết định đăng ký không thi ngoại ngữ và báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên, đối với những trường THPT không đảm bảo để dự thi ngoại ngữ nhưng thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự thi thì vẫn được phép.
Những em học không đủ chương trình ngoại ngữ (chuyển trường) tức trước học một ngoại ngữ rồi chuyển trường học sang ngoại ngữ khác thì làm đơn xin thi môn ngoại ngữ phù hợp. Thí sinh có chứng chỉ miễn thi ngoại ngữ được tính điểm 10 ở mục đích xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên về cơ bản các em vẫn phải tham dự kỳ thi THPT để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ (trừ một số trường có thông báo chấp nhận chứng chỉ và quy đổi sang điểm).
Về nguyên tắc, thí sinh được đăng ký dự thi tốt đã 8 môn. Tuy nhiên, thầy cô cần tư vấn, nhắc nhở học sinh đăng ký nhiều môn sẽ có cơ hội nhiều nhưng việc ôn tập khó đảm bảo có chất lượng.
Cũng cần lưu ý, với những em muốn học ngành năng khiếu của một trường nào đó mà tổ chức sơ tuyển hoặc tổ chức thi tuyển môn năng khiếu thì thí sinh phải chủ động tìm hiểu thông tin của trường về lịch thi, môn thi năng khiếu nào. Thí sinh ngoài việc đăng ký tham dự kì thi THPT quốc gia thì phải đăng ký thêm tại trường để trường biết và tổ chức môn thi cho các em.
Không tách biệt câu hỏi dễ, khó trong đề thi
Liên quan đến đề thi, PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho hay, phạm vi đề thi năm 2015 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Thời gian thi tự luận các môn Toán, Văn, Sử, Địa 180 phút; trắc nghiệm các môn Lý, Hóa, Sinh 90 phút. Đối với môn Ngoại ngữ thì Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có phần trắc nghiệm và tự luận. Thời gian làm bài môn Ngoại ngữ vẫn là 90 phút.
Đề thi có 2 nhóm câu hỏi trộn lẫn vào nhau, không tách biệt phần dùng để xét tốt nghiệp và phần để phân hóa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh phải đọc hết cả đề thi để biết câu hỏi nào dễ và câu hỏi nào có để bố trí thời gian làm bài hợp lý.
Nhóm câu hỏi một có độ khó tương tự như kì thi tốt nghiệp THPT và GDTX của năm 2014. Bộ sẽ cân nhắc đến khối GDTX, đảm bảo thí sinh lực học trung bình, thậm chí hơi yếu nhưng có sự cố gắng thì hoàn toàn làm được và đủ điều kiện để xét tốt nghiệp.
Nhóm câu hỏi hai là nhằm phân hóa kết quả thi, nhờ đó mới xét tuyển ĐH-CĐ và giống đề thi ĐH-CĐ 2014. Mẫu thi có mẫu câu hỏi cơ bản và nâng cao.
Lãnh đạo Cục khảo thí cũng khẳng định, các môn khoa học xã hội nhân văn tiếp tục câu hỏi mở, vận dụng kiến thức thực tế, liên môn để làm bài. Giảm yêu cầu học sinh học thuộc. Điều này đã được thể hiện rõ nét ở năm 2014. Cụ thể, trong năm 2014 đề thi tốt nghiệp và đại học, môn Văn, Sử, Địa dữ liệu được đưa ngay vào bài thi. Nhiệm vụ của thí sinh là phân tích, bình luận. Hướng này sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2015. Đối với các môn khoa học tự nhiên yêu cầu vận dụng kiến thức thực tế để giải quyết câu hỏi.
Không làm tròn điểm bài thi và tổng điểm 3 môn xét tuyển
PGS.TS Trần Văn Nghĩa cũng cho biết, việc chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GDĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.
Điểm khác so với mọi năm là tổng điểm 3 môn thi xét tuyển ĐH sẽ được quy tròn thì ở năm 2015 được giữ nguyên. Mục đích của việc làm này là tạo điều kiện cho các trường dễ xét tuyển hơn.
Không dự thi đủ các môn đăng ký, kết quả có được chấp nhận?
Trước thắc mắc của một số giáo viên của Hà Nội về việc, khi thí sinh đăng ký dự thi ở cụm thi ĐH sẽ được đăng ký nhiều môn nhưng vì lý do nào đó mà bỏ một số môn không thi thì giải quyết như thế nào?
Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết: Tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra nhưng chắc chắn sẽ không có nhiều. Về nguyên tắc, thí sinh đã tốt nghiệp THPT chỉ cần hội tụ có đủ điểm của 3 môn (không có điểm liệt) để ghép thành tổ hợp khối của một trường nào đó là được phép tham gia xét tuyển. Việc đăng ký thêm môn trước đó mà không dự thi nhưng không ảnh hưởng đến nguyên tắc nói trên là hoàn toàn được chấp nhận.
Đối với thí sinh chưa tốt nghiệp THPT thì điều kiện cương quyết là phải dự thi bắt buộc phải có điểm thi 3 môn Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ (đối với đơn vị không tổ chức thi Ngoại ngữ thì bắt buộc hai môn Toán, Ngữ Văn) và điểm thi một môn tự chọn trong các môn còn lại (đối với đơn vị không tổ chức thi Ngoại ngữ thì điểm thi 2 môn tự chọn trong các môn còn lại). Đây là điều kiện để xét tốt nghiệp. Nếu thí sinh đăng ký nhiều môn nhưng bỏ thi ở một môn nào đó mà không ảnh hưởng đến điều kiện công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ thì kết quả vẫn được chấp thuận.
Theo một cán bộ tuyển sinh, nếu tình huống đưa ra được giải quyết thì phần mềm tuyển sinh phải lưu ý đến việc quy đổi môn thi thí sinh bỏ thi để tránh việc nhầm lẫn giữa kết quả thi, bị hủy kết quả thi, trừ điểm bài thi…